Vi bằng là gì? Vi bằng có giá trị pháp lý không? Công chứng vi bằng
Hiện nay, Thừa phát lại có thẩm quyền lập vi bằng và thực hiện các thủ tục để tiến hành lập vi bằng theo quy định của pháp luật. Vậy trên thực tế vi bằng có nghĩa là gì? Vi bằng có giá trị pháp lý không? Bài viết sau Moonlight 1 – An Lạc Green Symphony sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này nhé.
1. Vi bằng có nghĩa là gì?
Trong khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP nêu rõ: Vi bằng là văn bản ghi nhận những hành vi, sự kiện có thật do Thừa phát lại chứng kiến trực tiếp và tạo lập theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức, cơ quan. Việc lập vi bằng sẽ tuân thủ các điều luật trong nghị định này của Chính Phủ.
Tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 08/2020 NĐ-CP, Chính phủ quy định vi bằng lập bằng Tiếng Việt sẽ gồm có những nội dung chính sau:
- Tên và địa chỉ trụ sở Văn phòng Thừa phát lại.
- Họ tên của người đại diện Thừa phát lại trực tiếp lập vi bằng.
- Thời gian, địa điểm tiến hành lập vi bằng.
- Họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức yêu cầu lập vi bằng.
- Nội dung của vi bằng: Tên, nội dung cụ thể về hành vi, sự kiện có thật được Thừa phát lại ghi nhận.
- Lời cam đoan về việc đảm bảo tính khách quan, trung thực trong việc lập vi bằng của Thừa phát lại.
- Chữ ký của Thừa phát lại, dấu của Văn phòng Thừa phát lại và chữ ký hoặc điểm chỉ của cá nhân, tổ chức yêu cầu.
Vi bằng là văn bản ghi nhận những hành vi, sự kiện có thật do Thừa phát lại chứng kiến
Xem thêm:Officetel là gì? Ưu, nhược điểm và tính pháp lý của căn hộ Officetel
2. Pháp luật quy định thế nào về giá trị pháp lý của Vi bằng?
Tại Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có quy định rõ về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng như sau:
- Thừa phát lại có quyền lập vi bằng ghi nhận các hành vi, sự việc có thật theo đúng yêu cầu của cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Ngoại trừ những trường hợp quy định trong Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP.
- Vi bằng không thể thay thế cho các văn bản chứng thực, công chứng hoặc các văn bản hành chính khác.
- Vi bằng được xem là chứng cứ để Tòa án xem xét khi cần giải quyết các vụ việc hành chính, dân sự. Đồng thời, nó cũng làm cơ sở để thực hiện giao dịch giữa cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.
- Khi đánh giá, xem xét về giá trị chứng cứ của vi bằng, Tòa án hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan để làm rõ tính xác thực của văn bản. Khi đã có lệnh triệu tập của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân thì Thừa phát lại, cá nhân, cơ quan, tổ chức bắt buộc phải có mặt đúng địa điểm, thời gian.
Pháp luật quy định rõ về giá trị pháp lý của Vi bằng
Xem thêm: Shophouse là gì? Khám phá ưu điểm và nhược điểm của Shophouse
3. Nguyên tắc lập vi bằng như thế nào? Thủ tục lập vi bằng
Trong quá trình lập vi bằng, Thừa phát lại và các cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định nhằm đảm bảo tính trung thực, khách quan nhất. Đồng thời, chúng ta cũng cần đảm bảo quy trình thủ tục lập vi bằng diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.
3.1. Nguyên tắc cần tuân thủ khi lập vi bằng
- Việc lập vi bằng phải do Thừa phát lại đảm nhận và thực hiện. Thư ký nghiệp vụ sẽ hỗ trợ quá trình tiến hành lập vi bằng nhưng Thừa phát lại sẽ phải chịu trách nhiệm với vi bằng mà mình đã tạo ra.
- Nội dung vi bằng chỉ ghi nhận các hành vi, sự kiện do Thừa phát lại chứng kiến trực tiếp, thông tin ghi nhận cần đảm bảo trung thực và khách quan. Thừa phát lại không được phép lập vi bằng để ghi nhận những hành vi, sự kiện mà chỉ thông qua lời kể của người khác.
- Thừa phát lại không được tham gia vào các hành vi, sự kiện mà mình đã ghi nhận trong vi bằng.
- Thừa phát lại không được tự ý thay đổi thông tin vi bằng đã lập. Trừ trường hợp phải sửa do lỗi kỹ thuật. Nếu có sự kiện mới phát sinh thì Thừa phát lại có thể lập vi bằng để bổ sung cho văn bản trước đó.
- Nếu văn bản vi bằng có từ 2 trang trở lên thì cần đánh số thứ tự rõ ràng cho từng trang, có 2 tờ trở lên phải đóng dấu giáp lai. Ngoài ra, vi bằng có thể kèm theo các tài liệu chứng minh.
Việc lập vi bằng phải do Thừa phát lại đảm nhận và thực hiện
Xem thêm: Khách sạn Moonlight Đà Nẵng
3.2. Thủ tục lập vi bằng diễn ra như thế nào?
Bước 1: Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm với người yêu cầu, trước pháp luật về nội dung văn bản lập ra. Việc ghi nhận hành vi, sự kiện cần đảm bảo tính trung thực, khách quan. Trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có thể mời người làm chứng để chứng kiến quá trình lập vi bằng.
Đối với người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ và chính xác những thông tin, tài liệu có liên quan đến việc lập vi bằng. Đồng thời họ cũng chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của thông tin vừa cung cấp. Sau đó, cá nhân, tổ chức yêu cầu sẽ tiến hành ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.
Bước 2: Khi lập vi bằng xong, Thừa phát lại sẽ ký vào từng trang văn bản, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại. Tiếp đến là ghi vào sổ vi bằng được tạo lập theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tư Pháp.
Bước 3: Vi bằng sau khi ký và đóng dấu hoàn thiện sẽ được gửi 1 bản đến cho người yêu cầu, 1 bản lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ đối với các văn bản công chứng.
Bước 4: Trong vòng 3 ngày làm việc, tính từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại cần gửi vi bằng, tài liệu chứng minh đến cho Sở Tư Pháp để vào sổ đăng ký. Trong thời gian 2 ngày làm việc, tính từ ngày nhận vi bằng, Sở Tư pháp phải hoàn thiện việc vào sổ đăng ký vi bằng.
Sau đó, Sở Tư pháp tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng; thực hiện việc đăng ký và quản lý vi bằng theo quy định của Bộ Tư pháp.
Thủ tục lập vi bằng diễn ra với 4 bước cơ bản
Có thể bạn quan tâm: Căn hộ Moonlight An Lạc
4. Những giấy tờ cần chuẩn bị khi lập vi bằng
Người yêu cầu Thừa pháp lại lập vi bằng phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định của pháp luật gồm:
- Dự thảo vi bằng (nếu có).
- Các loại giấy tờ tùy thân của người yêu cầu lập vi bằng: Chứng minh thư nhân dân/ căn cước công dân, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng, sổ hộ khẩu…
- Giấy tờ có liên quan đến hành vi, sự kiện thực tế: Giấy đăng ký xe, sổ hồng hoặc sổ đỏ nhà đất… và các tài liệu chứng minh kèm theo.
5. Vi bằng được lập bởi Thừa phát lại có giá trị pháp lý không?
Hiện nay nhiều người thắc mắc vi bằng có giá trị pháp lý không? Thì câu trả lời là: Vi bằng được tạo lập bởi Văn phòng Thừa phát lại có giá trị pháp lý. Trong Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP nêu rõ: Vi bằng chính là chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết những vụ việc hành chính, dân sự. Bên cạnh đó, vi bằng cũng làm cơ sở để thực hiện các giao dịch giữa cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của luật pháp Việt Nam.
Vi bằng được tạo lập bởi Văn phòng Thừa phát lại có giá trị pháp lý
6. Vi bằng có thể thay thế văn bản công chứng, chứng thực không?
Theo nội dung Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014: Công chứng là việc công chứng viên của 1 tổ chức hành nghề công chứng để chứng nhận về tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng bằng văn bản, giao dịch dân sự; tính chính xác, hợp pháp và không vi phạm đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ từ Tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại mà theo quy định của luật pháp là phải công chứng hoặc theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
Từ định nghĩa về vi bằng và công chứng, chúng ta thấy vi bằng do Thừa phát lại lập nên có sự khác biệt rõ ràng với văn bản công chứng.
Đồng thời, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP cũng có quy định một trong các trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại là người đã từng được bổ nhiệm công chứng viên. Do đó, Thừa phát lại không được phép thực hiện công việc nằm trong phạm vi, thẩm quyền của công chứng viên. Đồng thời, công chứng viên cũng không thể thực hiện công việc thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý của Thừa phát lại.
Như vậy chúng ta có thể nhận định rằng, vi bằng do Thừa phát lại lập nên không có giá trị thay thế cho văn bản công chứng, chứng thực hoặc các văn bản hành chính khác.
Vi bằng không thể thay thế cho văn bản công chứng, chứng thực
7. Công chứng vi bằng có giá trị pháp lý không?
Theo nội dung Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP chúng ta có thể thấy giá trị pháp lý của vi bằng như sau:
Văn phòng Thừa phát lại chỉ ghi nhận các hành vi trao đổi, giao nhận giấy tờ, giao dịch tiền mà không chứng thực quan hệ giao dịch mua bán tài sản. Do đó, vi bằng do Thừa phát lại lập nên không có chức năng công chứng, chứng thực hay công chứng chứng thực việc mua bán tài sản. Vi bằng không thể thay thế cho văn bản công chứng, chứng thực hay văn bản hành chính khác.
Quá trình lập vi bằng thực hiện theo đúng trình tự thủ tục do nhà nước quy định sẽ xác nhận giao dịch của các bên ở thời điểm tạo lập. Nó được xem là chứng cứ tại Tòa án nếu xảy ra tranh chấp. Việc lập vi bằng giúp thiểu rủi ro pháp lý khi tham gia các giao dịch. Tuy nhiên, công chứng vi bằng lại không có giá trị pháp lý mà chỉ có giá trị làm chứng cứ và được tòa án ghi nhận.
Công chứng vi bằng không có giá trị pháp lý mà chỉ có giá trị làm chứng cứ
Tham khảo thêm một số căn hộ Moonlight An Lạc tại: https://anlacmoonlight.vn
Kết Luận
Như vậy qua bài viết trên đây của Moonlight 1 – An Lạc Green Symphony đã giúp bạn đọc giải đáp rõ vấn đề vi bằng có giá trị pháp lý không? Hiện nay nhiều tổ chức, người làm môi giới bất động sản thường tư vấn cho khách hàng của mình mua vi bằng công chứng. Tuy nhiên trên thực tế văn bản này lại không có giá trị pháp lý. Do vậy, chúng ta cần nắm vững quy định của pháp luật về vi bằng để tránh rủi ro, thiệt hại đáng tiếc xảy ra.